TÁC DỤNG CỦA NPK ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG & CÁCH LỰA CHỌN PHÂN BÓN NPK CHO TỪNG GIAI ĐOẠN
TÁC DỤNG CỦA NPK ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG & CÁCH LỰA CHỌN PHÂN BÓN NPK CHO TỪNG GIAI ĐOẠN
Phân bón NPK là loại phân bón không còn xa lạ gì đối với các nhà vườn nữa rồi, nó là loại phân bón tiện dụng và rất phổ biến. Nhưng vẫn còn một số thắc mắc xoay quanh câu hỏi nên sử dụng NPK như thế nào cho từng giai đoạn của cây thì bài viết này xin phép chia sẻ cụ thể hơn đến bà con nhé!
?Trước tiên chúng ta tìm hiểu tác dụng của từng loại đa lượng lên cây trồng:
- Đạm (N): Đạm là loại phân đa lượng cần thiết cho sự phát triển, lớn lên của cây trồng, là hợp phần quan trọng của chất hữu cơ cấu tạo diệp lục tố giúp lá cây quang hợp mạnh, nguyên sinh chất, axit nucleic, protein. Nó thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, giúp cây ra nhiều nhánh, nhiều lá, phân cành, xanh lá, dày lá.
- Lân (P): Lân giúp tạo nên nhân tế bào nên rất cần cho sự hình thành bộ phận mới của cây, kiến tạo nên hoạt chất hình thành mầm hoa, đẻ nhánh, phân cành, ra hoa, đậu quả. Ngoài ra lân còn ảnh hưởng đến các quá trình vận chuyển và chuyển hóa của cây, tham gia vào quá trình phát triển rễ, quá trình quang hợp và hô hấp.
- Kali (K): Kali là loại đa lượng cần thiết cho quá trình quang hợp, tổng hợp đường, tinh bột và protein. Đối với nhóm cây ăn quả K làm tăng quá trình phân hóa mầm non, giảm tỷ lệ rụng, tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao chất lượng nông sản thông qua quá trình tích lũy đường, vitamin, giúp màu sắc quả đẹp hơn, hương vị quả thơm hơn, làm tăng khả năng bảo quản nông sản. Đó là lý do vì sao các trong giai đoạn nuôi quả K là thành phần không thể thiếu, cần bổ sung đầy đủ cho cây trồng.
Các loại phân bón NPK trên thị trường hiện nay có thể phân loại theo tỷ lệ thành phần phổ biến như: Nhóm đạm cao, kali cao, đạm và lân cao hoặc 3 loại có tỉ lệ bằng nhau (mọi người hay gọi là ba số)
?Tùy thuộc vào từng giai đoạn của cây mà các nhà vườn lựa chọn các công thức sử dụng cho hợp lý:
- Công thức NPK Đạm cao: Sản phẩm phối trộn có thành phần đạm cao hơn lân và kali, các công thức phổ biến mà mọi người thường gặp trên thị trường là 30-10-10, 20-10-10. Những dòng đạm cao phù hợp sử dụng cho cây tơ cần vì cần phát triển thân cành lá (có thể kết hợp với hữu cơ), giai đoạn cây nhú cơi đọt mới hoặc cây lớn cần phục hồi sau thu hoạch. Đối với trường hợp mùa mưa, cây không cần quá nhiều đạm hoặc cây không quá suy thì có thể cân nhắc công thức 20-10-10 hoặc cây cần nhiều đạm thì sử dụng 30-10-10. Tùy theo điều kiện của từng nhà vườn mà mọi người lựa chọn công thức hợp lý để áp dụng.
- Công thức NPK Đạm và Lân cao: Những công thức phối trộn có thành phần N và P cao hơn K mà mọi người thường gặp trên thị trường có 20-20-15 hoặc 16-16-8. Những loại này thì mọi người có thể sử dụng cho bất cứ giai đoạn nào của cây, giai đoạn phát triển thân, cành, lá hoặc trái non nhưng không nên sử dụng trong giai đoạn mang hoa. Vấn đề này em cũng từng nhắc trong các bài viết trước đó là trong điều kiện bình thường cây sẽ ưu tiên phát triển thân cành lá chứ không ưu tiên ra hoa đậu quả, vì vậy sử dụng những công thức có hàm lượng đạm, lân cao cây sẽ đi đọt gây ảnh hưởng.
- Công thức NPK có tỉ lệ bằng nhau: Loại phổ biến thường gặp là 3 số 15, 3 số 16, 3 số 17. Đối với công thưc phối trộn này mọi người có thể sử dụng cho bất cứ giai đoạn nào của cây vì nó cung cấp cân bằng dinh dưỡng, giúp cây phát triển ổn định, là lựa chọn khá an toàn và hạn chế được nhiều rủi ro đối với những ai chưa có kinh nghiệm. Đối với giai đoạn cây non đang phát triển và cây đang nuôi trái lớn thì công thức này sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất, bà con nên chọn công thức phù hợp, tuy nhiên nó không gây ảnh hưởng quá lớn đến cây trồng.
- Công thức NPK Kali cao: Một số loại phổ biến mọi người thường thấy như 12-11-18, 15-5-20, 15-5-25, 15-3-25. Thường những loại phân phối trộn theo công thức này sử dụng chủ yếu cho giai đoạn cây nuôi trái. Giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tập trung dinh dưỡng để nuôi trái để trái đạt chất lượng tốt nhất.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại NPK từ bón gốc cho tới phun qua lá, bài viết trên chia sẻ một số tác dụng và các giai đoạn sử dụng của các loại NPK thường gặp trên thị trường. Bà con đọc tham khảo và lựa chọn sản phẩm tùy theo điều kiện địa phương và tình trạng vườn cây nhà mình. Mong rằng bài viết trên mang lại những thông tin hữu ích cho những ai chưa có nhiều kinh nghiệm.
Chúc bà con thành công!
Nguồn: Sưu Tầm